Đài PTTH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt với chủ đề “Việt Nam giang sơn gấm vóc” - ngợi ca vẻ đẹp của non sông đất nước. Chương trình diễn ra vào 20h ngày 9/9/2024 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, tường thuật trực tiếp trên kênh Hà Nội 1, phát thanh FM 96, ứng dụng Hà Nội On và các nền tảng số của đài Hà Nội. 

Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ: Quách Mai Thy, Tiến Hưng, Hữu Trung, Trần Vân Anh, Minh Vương, Bảo Yến, Hồng Duyên, Tuấn Ngọc, Phạm Tuân, Minh Quân, Trần Trung cùng Dàn nhạc thính phòng Thăng Long.

TPPP6925.jpg
Ca sĩ Bảo Yến.

Hàng loạt các ca khúc cách mạng mang tính sử thi hào hùng của các nhạc sĩ Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Chu Minh, Thanh Sơn, Lê Quang, Lê Minh Sơn, Quang Vinh sẽ được sử dụng trong chương trình như: Lời ru Âu Lạc, Dòng máu Lạc Hồng, trường ca Con đường cái quan, Bạch Đằng giang, Tây Sơn bước chân hào kiệt, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Rạng rỡ Việt Nam.

a03032ceaf3908675128.jpg

Ca sĩ Quách Mai Thy.

Bên cạnh đó, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trẻ như DTAP, Trịnh Trần Phương Tuấn, Bùi Trường Linh, Đông Thiên Đức cũng sẽ được dàn dựng, đan xen, kết nối với những phóng sự đặc biệt mang lại nhiều thông tin quý giá, nhiều bài học lịch sử. 

Chương trình sẽ mang tới cho người xem những thước phim tư liệu vô giá với những đóng góp to lớn của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà cách mạng bản lĩnh, trí tuệ, cùng nhân dân cả nước… Đó là những câu chuyện kể từ các nhân chứng lịch sử trong những thời khắc trọng đại của dân tộc đó là bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô - chủ của căn nhà 48 phố Hàng Ngang – nơi bí mật mà Hồ Chủ Tịch đã chuyển về ở vào buổi chiều 24/8/1945 để viết bản Tuyên ngôn độc lập.  

Hay Thiếu tá Archimedes Patti - Trưởng ban Đông Dương của Cơ quan Phục vụ Chiến lược Hoa Kỳ OSS (tiền thân của CIA) có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương vào ngày 22/8/1945.

Khán giả được gặp lại bác sĩ Trần Duy Hưng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Người xem sẽ được chứng kiến GS. Lê Thi - người kéo Quốc kỳ trong ngày 2/9/1945 cùng nghe những câu chuyện lịch sử của dân tộc qua lời kể của nhà sử học Lê Văn Lan, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam…

Vừa là người viết kịch bản đồng thời là đạo diễn của chương trình, nhà báo Ngô Thanh cho biết chương trình sẽ dùng âm nhạc và các phóng sự để đi dọc chiều dài lịch sử của đất nước với 3 chương (Con đường cái quan, Thiêng liêng bờ cõi, Đất nước gấm hoa).

"Một thách thức không hề nhỏ khi lần đầu tiên chúng tôi dàn dựng hoạt cảnh cho bản trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy. Bản trường ca này, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết từ năm 1954-1960, chia làm 19 bài hát nhỏ. Đó là cuộc du hành của người lữ khách đi trên Đường Cái Quan xuyên Việt mà theo Phạm Duy là: Đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân...

Bởi vậy mà tôi đã cùng với giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Thành Vương vô cùng tâm huyết khi dàn dựng lại một phần của tác phẩm âm nhạc đồ sộ, hoành tráng này. Đó sẽ là một hoạt cảnh dài 20 phút, quy tụ dàn ca sĩ, nghệ sĩ đông đảo và hứa hẹn sẽ là điểm nhấn rất ấn tượng của chương trình Việt Nam giang sơn gấm vóc”, đạo diễn Ngô Thanh chia sẻ.  

Đỗ Lê