Sống chết cùng với phim truyền hình
NSND Khải Hưng tên đầy đủ là Nguyễn Khải Hưng, sinh ngày 18/11/1948 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Sau khi làm giáo viên một thời gian ngắn, ông chuyển sang nghề lập trình viên và công tác tại một viện nghiên cứu. Năm 1979, ông theo học lớp Đạo diễn khóa đầu tiên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Năm 1982, ông ra mắt Người thành phố, bộ phim trên băng từ đầu tiên của truyền hình Việt Nam. Không lâu sau khi tốt nghiệp, tác phẩm Đứa con tôi của Nguyễn Khải Hưng đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983). Năm 1985, ông sản xuất phim Cánh diều nhỏ, bộ phim video đầu tiên của Trung tâm Nghe nhìn Đài Truyền hình Việt Nam.
Năm 1993, Nguyễn Khải Hưng được biết đến rộng rãi khi Lời nguyền của dòng sông đoạt giải phim xuất sắc tại Liên hoan phim truyền hình quốc tế Brucxen (Bỉ). Tác phẩm gây tiếng vang lớn khi trở thành bộ phim làm trên chất liệu băng từ đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng ở một liên hoan quốc tế.
NSND Khải Hưng sáng lập nhiều chương trình nổi tiếng như: Văn nghệ Chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần và đặt nền móng cho dòng phim truyền hình, được xem là "cha đẻ" của giờ Vàng phim Việt trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông được mệnh danh là ''ông trùm'' tổng đạo diễn 40 tập đầu tiên của loạt phim đình đám Cảnh sát hình sự.
Năm 2003, Hãng phim truyền hình Việt Nam đổi tên thành Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam (VFC), Nguyễn Khải Hưng trở thành giám đốc đầu tiên và đảm nhiệm vai trò này đến khi về hưu.
Cũng trong năm đó, Gặp nhau cuối năm ra đời và Khải Hưng được xem là "cha đẻ" của chương trình hài thường niên mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dù liên tục gặp phải nhiều tranh cãi, nhiều tin đồn cũng như dự định ngừng phát sóng nhưng cho đến nay, Gặp nhau cuối năm vẫn được xem là "món ăn tinh thần" của khán giả truyền hình Việt Nam trong đêm giao thừa.
Năm 2005, với vai trò Giám đốc VFC, Khải Hưng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 6, nhiệm kỳ 2005–2010. Trước đó, ông đã đảm nhận chức vụ Phó Tổng thư ký của hội nhiệm kỳ 2000–2005.
Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 3 tác phẩm: Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông và Không còn gì để nói. Cùng năm đó, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND.
NSND Khải Hưng nổi tiếng với sự lăn xả và nhiệt huyết trong các dự án phim. Ông từng mất một mắt vì mải mê làm phim Sinh tử. Khi phát hiện giảm thị lực trong một lần đi chọn cảnh, ban đầu ông nghĩ máy ảnh hỏng vì chỉ thấy một màu đen, nhưng sau khi đổi sang mắt bên trái, thị lực trở lại bình thường. Bác sĩ chẩn đoán xuất huyết giác mạc và hẹn tái khám nhưng ông không đi khám đúng hẹn vì bận lịch quay.
Sau khi hoàn thành phim, NSND Khải Hưng mới quay lại bệnh viện thì mắt phải của ông đã bị sẹo phủ giác mạc, không còn khả năng cứu chữa.
NSND Khải Hưng nổi tiếng với phát ngôn thẳng thắn về nghề. Ông từng chia sẻ: "Chả có ngôi sao hay NSƯT, NSND nào cả, chỉ có diễn viên và vai diễn thôi. Nhiều diễn viên mới làm nên tên tuổi chỉ trong một bộ phim. Hơn nữa, tôi thích gương mặt mới và không có khái niệm là phim của mình phải dựa vào ngôi sao nào để đi cả".
"Không làm bất cứ việc gì mà không vui"
Hiện tại, ở tuổi hưu đã lâu nhưng NSND Khải Hưng vẫn tích cực hoạt động. Trên trang cá nhân, vị đạo diễn gạo cội vẫn chia sẻ hình ảnh trong phòng thu. Ông còn viết: "Nguyên tắc sau khi nghỉ hưu: Không làm bất cứ việc gì mà không vui". Ngoài những lúc tập trung cho công việc, ông cũng dành thời gian đi chơi cùng bạn bè, người thân.
Thẳng thắn nhận xét nhiều người nhưng NSND Khải Hưng hạn chế nói về con trai - đạo diễn Khải Anh. Là một đạo diễn trẻ có tiếng của VFC, Khải Anh thành công với nhiều bộ phim được khán giả yêu thích như Tuổi thanh xuân, Người phán xử...
Theo NSND Khải Hưng, hai người ít khi hợp tác vì "việc ai người ấy làm", ông tôn trọng cuộc sống riêng của con. Ông từng nói vui rằng, Khải Anh chưa bao giờ núp bóng mình và không quá quan tâm khi con trai nhận được nhiều lời khen từ đồng nghiệp và khán giả.