*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Là phim Việt hiếm hoi đào sâu vào sự châm biếm, mỉa mai về thói “phông bạt” của một bộ phận con người trong xã hội. Tuy nhiên, giữa ước muốn ban đầu của bộ phim với giá trị mà nó tạo ra cho khán giả đến rạp lại có một khoảng cách rất xa.
Có bột nhưng không gột nên hồ
Đoạn mở đầu của Cô dâu hào môn mang đến hai thái cực rất khác nhau về mặt cảm xúc với khán giả trông đợi vào bộ phim. Trong khi cảnh đầu tiên rất giả tạo và gượng gạo với màn đấu khẩu giữa cô bạn gái của thiếu gia Bảo Hoàng (Samuel An) và bà Phượng (Thu Trang) thì phân đoạn kế tiếp khi bà Phượng nói với người giúp việc thay toàn bộ nước hồ bơi chỉ vì “con new rich kia vừa xuống tắm” lại mở ra một sự kịch tính rất hấp dẫn về quan điểm sống của gia đình này.
Chỉ tiếc mọi thứ sau đó diễn ra theo sự sắp đặt của biên kịch nhiều hơn là sự phát triển tất yếu của nhân vật cùng đường dây câu chuyện.
Có thể đoạn kết phim khi Tú Lạc (Uyển Ân) nhìn theo ánh mắt rời xa dần của Bảo Hoàng trong màn mưa dễ làm khán giả có chút mủi lòng và mong một đoạn kết tươi đẹp nào đó sẽ diễn ra với cặp đôi này. Song thực tế, nếu trở lại từ đầu với toàn bộ nút thắt bộ phim bày ra, sẽ thấy một Tú Lạc dường như chưa một lần rung động thật sự trong tình yêu dành cho Bảo Hoàng. Mà mọi thứ trong con tim và tâm trí của Tú Lạc, chỉ là sự bày mưu tính kế bước vào gia đình hào môn.
Cảnh phim cả gia đình Tú Lạc từ nhân vật bà mẹ tên Mạt (Lê Giang) cho đến người cha tên Hòa (Kiều Minh Tuấn) cùng người em trai Lợi (Huy Anh) cùng nhau đồng lòng lên kế hoạch lừa đảo nhà bà Phượng để đám cưới Tú Lạc và Bảo Hoàng có thể diễn ra thể hiện rõ thái độ của “phe nhà nghèo”.
Ở hướng ngược lại, phong cách “old rich” của nhà bà Phượng được diễn giải với rất nhiều câu thoại hùng hồn và đẹp đẽ nhưng lại có rất ít hành động bộc lộ nên thần thái này. Giàu nhưng không sang - là thực tế của nhà bà Phượng, dù biên kịch và đạo diễn lại rất muốn làm cho họ - giàu nhưng vẫn sang!
Cô dâu hào môn khơi ra được vấn đề, muốn giải quyết vấn đề nhưng các giải pháp mà bộ phim đưa ra cho nhân vật đều nặng tính kịch. Khán giả không tin vào tình yêu Tú Lạc dành cho Bảo Hoàng, không tin bà Phượng là “old rich”, cũng không tin vào sự tử tế của người nghèo kiểu như ông Hòa và bà Mạt… Các nhân vật, nói theo cách nào đó, không có điểm tựa nào để vươn lên hoặc thay đổi hành trình sống của mình.
Phân cảnh bà Phượng cho nhập viện cấp cứu một người vô gia cư vào cuối phim giống như kiểu biên kịch giải thích với khán giả: “Đấy, cuối cùng chúng tôi cũng cho mọi người thấy người giàu họ tử tế không thua kém bất kỳ ai".
Thiếu rất nhiều sự tinh tế và logic
Lẽ ra, cái mà Cô dâu hào môn cho khán giả thấy phải là sự lém lỉnh, thông minh nhưng cũng rất đau đớn, xót xa của nhà ông Hòa khi muốn đổi đời cho con gái nhưng cuối cùng bộ phim lại cho thấy gia đình này cực kỳ xấu xí và nham hiểm.
Câu thoại của ông Hòa dành cho con gái khi phân vân với việc có nên giúp con lừa đảo: “Hay là con cứ nói ba chết đi cho rồi!” quá hay nhưng rốt cuộc lại không cứu được nhân cách của một người cha thương con, hiểu con mà vẫn tự tính kế giúp con đạt đến mục tiêu cuối cùng.
Cô dâu hào môn làm khá tốt ở bề mặt giải trí nhưng không đủ sâu cay cũng không đủ đẹp đẽ, dù nhìn trọn vẹn bất cứ nhân vật nào ở phe giàu hay nghèo.
May mắn nhất có lẽ là khán giả vẫn nhận ra một vài phân đoạn “cười mà đau” với nhân vật ông Hòa của Kiều Minh Tuấn. Còn lại sự ồn ào của bà Mạt, sự hời hợt của Tú Lạc, thói trưởng giả của bà Phượng cùng những ngây ngô của Bảo Hoàng đều khiến cho bộ phim có rất ít sự đọng lại với khán giả khi rời rạp.
Mảng châm biếm vẫn là một mảng đề tài rất khó để lột tả, nếu không muốn nói là cần những biên kịch cao tay cùng với một đạo diễn hiểu thấu sự đời. Cô dâu hào môn thiếu rất nhiều sự tinh tế và logic mà thể loại phim này yêu cầu cần phải có. Từ đó dẫn đến việc bộ phim bày biện ra mọi thứ nhưng khi dọn dẹp thì lại không có khả năng tối ưu để làm cho ngăn nắp, gọn gàng. Cô dâu hào môn khoác lên một chiếc áo quá rộng, đến mức khán giả rất khó để tin!